Tại hội nghị tổng kết của ngành công thương được tổ chức sáng 7/1, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm qua mặc dù có nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (giá bông, sơ Poyester tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2009), lao động khó tuyển dụng, lãi suất ngân hàng tăng cao… nhưng sản xuất của ngành vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 11,2 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm 2009.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng nêu trên là do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và sự dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài các thị trường truyền thống, thời gian qua sản phẩm dệt may của Việt Nam đã tiếp cận với các thị trường mới là Đài Loan, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Sản phẩm sợi cũng đã vào được các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil.
Trong khi đó, theo kế hoạch đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước mới là 11 tỷ USD. Như vậy, toàn ngành đã về đích trước 4 năm so với chỉ tiêu đề ra.
Cũng theo ông Giang cuối năm 2010, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp hàng đến tận quý 2/2011. Thậm chí, một số doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín còn kỳ được hợp đồng tới hết quý 3, quý 4/2011. Đơn giá gia công tại các hợp đồng đã được ký kết cũng tăng khoảng 10- 15% so với năm 2010. Đây chính là những tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may trong 2011.
Về mục tiêu kim ngạch trong thời gian tới, ông Giang cho hay, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành sẽ đạt 18-20 tỷ USD. Riêng trong năm 2011, chỉ tiêu phấn đấu là thu về kim ngạch từ 12,7- 13 tỷ USD.
“Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá của ngành đạt 46%, đến năm 2015 con số này sẽ là 68-70%”, ông Giang cho biết thêm.
Tuy nhiên, để đạt được các con số này ngành dệt may kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục tham gia vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước để tạo điều kiện cho sản phẩm dệt may mở rộng thị trường.
Tiếp đến, ngành hải quan cần sớm triển khai việc thông quan điện tử để rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp.
Về phía ngành điện cần cung cấp điện ổn định hơn cho sản xuất, tránh tình trạng hàng trăm nghìn mét vải có thể phải bỏ đi do đang trong quá trình nhuộm mà bị cắt điện đột ngột.